Thơ Văn dự thi mã số 56 của tác giả: Nguyễn Hùng- Hải Phòng
ĐÓNG GÓP CỦA BÙI VIỆN Ở HẢI PHÒNG
Trong lịch sử xây dựng phát triển thành phố Hải Phòng, Bùi Viện có những đóng góp đáng kể. Bùi Viện được coi là Nhân vật lịch sử Hải Phòng. Ghi nhận những đóng góp của ông cho đất nước và thành phố Cảng Hải Phòng, tên ông mới đây đã được đặt cho một con đường mới xây dựng dài nhất Hải Phòng. Đó là Đại lộ Bùi Viện, tên thường gọi là đường World Bank hay đại lộ Đông Tây, có điểm đầu tiếp giáp đường liên phường Đằng Hải- Nam Hải thuộc quận Hải An, điểm cuối giao với quốc lộ 10 thuộc địa phận huyện An Dương. Đường dài 20,7 km, rộng từ 20 đến 40m. Bùi Viện (1839-1878), sinh ra thôn Trình Nhì, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nhà nho kiêm nghề bốc thuốc. Năm 1864 ông đỗ Tú tài, đến năm 1868 Bùi Viện đỗ cử nhân, ông ở lại học Quốc Tử Giám. Năm 1871 với tư cách môn khách, ông giúp Lê Tuấn- Tham tri Bộ Lễ ra Bắc dẹp loạn giặc khách Cờ Đen, Cờ Vàng là dư đảng của Thái Bình Thiên Quốc từ bên Tầu tràn sang theo lệnh vua Tự Đức. Công việc hoàn thành, ông trở về Huế.
Thời gian sau Bùi Viện được Doanh điền sứ tỉnh Nam Định là Doãn Khuê mời về giúp việc khai hoang, lập đất ở tỉnh này. Sau đó ông lại giúp Phạm Phú Thứ- Tổng đốc Hải Yên (Hải Dương-Yên Quảng) trong việc bố phòng ven biển Hải Dương. Với số lính được giao 200 người cùng lương thực, tiền bạc, Bùi Viện đã xây dựng được một số cơ sở ban đầu của bến Ninh Hải- tiền thân của cảng Hải Phòng bây giờ. Do yêu cầu đánh dẹp, sau 10 tháng chỉ huy việc xây dựng bến Ninh Hải, Bùi Viện phải bàn giao việc này cho người khác để theo giúp Phạm Phú Thứ việc quân sự. Sau khi 6 tỉnh Nam kỳ rơi vào tay thực dân Pháp, tháng 7-1873, vua Tự Đức chính thức cử Bùi Viện đi ra nước ngoài tìm hiểu tình hình, hy vọng có thể dựa vào một nước có tiềm lực lớn nhằm làm đối trọng, giảm bớt áp lực của Pháp đang ráo riết thực hiện âm mưu chiếm nốt Bắc kỳ và Trung kỳ.
Cũng như một số nhà nho tiến bộ, Bùi Viện có chủ trương muốn thắng Pháp phải canh tân đất nước nhưng cách làm của ông khác biệt so với những nhà nho có tư tưởng canh tân khác. Ông “Chủ trương dùng chính sách ngoại giao khôn khéo, giao thiệp với các nước có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhằm làm cân bằng lực lượng để chế ngự người Pháp đang gây áp lực buộc triều đình Huế đầu hàng. Ông không cầu viện các nước ở phương Đông như các nhà nho đương thời, ông có tư tưởng cầu viện Mỹ. Nhờ sự giúp đỡ của lãnh sự Mỹ, Bùi Viện có được lá thư viết cho một người bạn vốn là người gần gũi với Tổng thống Mỹ. Ông đi sang Nhật rồi vượt đại dương sang Mỹ. Sau gần một năm kiên trì vận động, năm 1873, Bùi Viện đã được Tổng thống Ulysse Simpson Grant (1822 – 1885) tiếp. Lúc này Pháp và Mỹ đang tranh giành thuộc địa ở Mexico nên Mỹ cũng tỏ ý muốn giúp một quốc gia đang bị Pháp uy hiếp. Nhưng Bùi Viện không mang theo quốc thư nên hai bên không thể có một cam kết chính thức. Vì vậy, ông lại phải lặn lội ngược về Việt Nam trở lại kinh thành Huế. Năm 1875, Tự Đức ban cho Bùi Viện chức Khâm sai đại thần, cầm đầu đoàn sứ giả mang quốc thư trở lại Hoa Kì. Nhưng lần đi này, tình hình thế giới đã biến chuyển bất lợi cho nước ta, Hoa Kỳ đã thay đổi chính sách nên tuy Tổng thống Grant vẫn niềm nở tiếp Bùi Viện và đoàn sứ bộ của ta, nhưng từ chối viện trợ cho Đại Nam chống Pháp. Bùi Viện đành tay không trở về Tổ quốc. Đến Đà Nẵng, nghe tin mẹ mất, Bùi Viện ra Huế tâu vua về chuyến công du bất thành và xin về thọ tang mẹ. Ba tháng sau, Bùi Viện lại được triệu về kinh đô giữ chức Thương chánh tham biện rồi chuyển sang chức Chánh quản đốc nha Tuần hải. Chuyến công du không thành nhưng Bùi Viện đã tỏ rõ một tinh thần kiên định, một ý chí sắt đá vì quốc gia, dân tộc. Cho đến nay nhiều nhà sử học Việt Nam vẫn cho rằng Bùi Viện là nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam từng gặp Tổng thống Hoa Kỳ.
Sau khi về nước, Bùi Viện đề xuất với vua Tự Đức một tư tưởng canh tân đất nước táo bạo. Về quân sự, tháng 8/1876, vua Tự Đức giao cho ông trách nhiệm tổ chức Nha tuần tải và cử ông làm Chánh quản đốc trực tiếp phụ trách. Với nhiệm vụ này, ông đã thành lập được đội Tuần dương quân với lực lượng chủ yếu là dân chài lưới rất thông thạo sông biển. Nhiệm vụ của Tuần dương quân là vừa tuần tiễu suốt miền duyên hải, vận tải lương tiền cho nhà nước, vừa hộ vệ cho các thuyền buôn. Lực lượng này đóng đồn chính tại cửa Ba Lạt cửa biển giáp ranh hai tỉnh Thái Bình và Nam Định nhưng tại các bến Ninh Hải (Hải Phòng), Quảng Nam, Đà Nẵng, … Bùi Viện đều đặt thêm các đồn quan phòng. Lực lượng do Bùi Viện trực tiếp chỉ huy gồm hơn 2.000 quân và 200 chiếc thuyền lớn chia làm hai đoàn: đoàn toàn người Trung Quốc gọi là Thanh đoàn, đoàn toàn người Việt gọi là Thủy dũng. Đoàn nào cũng được cấp lương bổng, trang bị đầy đủ, có kỷ luật nghiêm và huấn luyện chu đáo. Nhờ có tuần dương hạm mà hải tặc bị dẹp yên, không dám hoành hành, tạo điều kiện cho việc buôn bán bằng đường biển thuận lợi.
Về kinh tế, năm 1876, Bùi Viện được triều đình giao giữ chức Tham biện thương chính. Ông đã đề nghị triều đình làm gấp hai việc: mở mang đường thủy, cho đào sông vét ngòi; mở hải cảng, lập bến sông. Theo ông, muốn mở mang buôn bán phải có hệ thống giao thông tốt, phải tổ chức thủy đội tiễu trừ giặc biển, bảo vệ thuyền buôn đi lại ngoài khơi. Từ đó, phát triển lực lượng này thành lực lượng thủy quân hùng mạnh cho đất nước. Bùi Viện còn lập ra “Chiêu dương thương cục”. Đây là công ty buôn lớn tổ chức việc buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc, sản phẩm trao đổi chủ yếu là bán nông thổ sản và mua về hàng gốm sứ, tơ lụa, …
Bùi Viện là người có công sáng lập ra cửa biển Hải Phòng mà đương thời gọi là bến Ninh Hải là một thôn nhỏ gần với cửa Cấm. Công việc mà Doãn Doanh điền sứ trao cho Bùi Viện là đổi đống bùn lầy Ninh Hải làm một hải cảng trong có thành phố, có cơ quan Chính phủ như thương chính và nhất là những đường lối ở cả trên bộ lẫn dưới nước để làm một thương cảng kiêm quân cảng, có thể làm cửa ngõ của xứ Bắc kỳ và là nơi giao thiệp với các nhà buôn ngoại quốc”. Bùi Viện đã hăng hái mộ binh lính, dân phu, ra sức đào sông tháo nước ra biển, vượt đất lên cao làm vườn tược hay nền móng nhà. Chẳng bao lâu vùng bùn lầy hẻo lánh ít ai biết đến này đã trở nên đông đúc với đường đi lối lại trên bộ dưới nước thuận tiện, có thương điếm đánh thuế tàu thuyền ra vào, có cơ quan phòng thủ phụ trách việc giữ an ninh trong vùng, gọi là Hải biên phòng thủ, nay là Hải Phòng.
Những đề nghị cải cách của Bùi Viện thể hiện tư tưởng của một con người hành động, gắn lý luận với thực tiễn, không giới hạn mình trong những văn bản gửi triều đình. Chủ trương vươn ra biển chiếm lĩnh và làm chủ lãnh hải là một quyết định khá mạnh dạn, có ý nghĩa đi trước thời đại. Tuy nhiên, những ý tưởng canh tân táo bạo của Bùi Viện mới thực hiện được trong thời gian ngắn ngủi chưa đầy 10 năm thì ông ra đi ở tuổi 39 tràn đầy nhiệt huyết, bỏ lại sau lưng một sự nghiệp dang dở không có người tiếp nối. Ngày 1/11/1878, ông đột ngột từ trần, cái chết của ông cũng có nhiều điểm bất ngờ. Có thể nói, Bùi Viện lúc đó đang được xem như là một nhà kinh bang tế thế, có công lớn trong việc xây dựng cảng Hải Phòng,
NH
…
Hộp thư Thơ Văn với chủ đề “Người Hải Phòng” dự thi:
Thời gian qua, BTC đã nhận được Thơ Văn dự thi của các tác giả:
Hải Phòng: Phan Dũng, Lại Xuân Hậu, Nguyễn Ban, Vũ Hoàng Lâm, Bùi Sỹ Căn, Nguyễn Hùng, Vũ Ngọc Anh, Đặng Quang Đạo, Nga Lê, Trần Duy Hạnh, Đào Nguyên Lịch, Bùi Đức Nội, Nguyễn Thị Hiền, Thúy Vinh, Quỳnh Lê, Nguyễn Thị Nho, Lê Việt Hùng, Ngô Thị Mai Hà, Vương Giao Tuyến, Hoàng Ngãi, Bùi Thế Đạt, Đoàn Khương, Lê Trung Cường, Hoàng Văn Quyền, Nguyễn Quang Hòa, Trần Vĩnh Hải, Nguyễn Sơn, Nguyễn Minh Dương, Mai Hồng Quang, Phan Giang Sơn, Đào Nguyên Lịch; Hà Nội: Bùi Đức Thiêm, Nguyễn Lan Hương, Nguyễn Thị Kim, Lê Nguyên Khôi, Thái Hưng, Đinh Thành Trung, Đỗ Xuân, Trần Thị Bích; Hưng Yên: Nguyễn Thành Tuấn, Nguyễn Quý Nghi; Quảng Ninh: Dương Phượng Toại, Nguyễn Thái Phú, Đỗ Đồng Lệ; TP Hồ Chí Minh: Vương Miện, Nguyễn Vĩnh Bảo, Vũ Lam Hiền, Nguyễn Thế Kỹ; Thụy Sỹ: Hoàng Yến; Nam Định: Phạm Mai Hương; Hải Dương: Huy Nguyên; Chi hội Mỹ: Phạm Thu Hương, Trần Thanh Toàn; Cộng hòa Pháp: Nguyễn Nga; Nghệ An: Phan Hữu Cường; Liên bang Nga: Nguyễn Hắc Long, Phạm Đình Cựu; Khánh Hòa: Ngọc Hoa, Lê Đức Bảo; Bà Rịa Vũng Tàu: Trần Thắng; Bungary: Hoàng Minh Thuận; Bình Thuận: Dương Đức; Vương quốc Anh: Đào Thị Kỷ, Nguyễn Thị Mát; Newzealand: Đào Yên; Vĩnh Phúc: Lê Gia Hoài; Đồng Nai: Nguyễn Quốc Toàn, Nguyễn Tâm Thanh; Yên Bái: Đào Thu Hương; Lâm Đồng: Nguyễn Duy Vinh; Bắc Giang: Nguyễn Chí Diễn; Long An: Thi Hoàng Khiêm; Ănggola: Lương Hải Thuận
Mời các bạn tiếp tục gửi Thơ Văn dự thi. Thơ Văn dự thi xin gửi về email: hoivietkieuhp@gmail.com. Trân trọng cám ơn!
BTC