Thơ Văn dự thi mã số 58 của tác giả: Trần Thắng- Hải Phòng
ANH HÙNG THIẾU NIÊN PHẠM NGỌC ĐA Ở HẢI PHÒNG
Anh hùng thiếu niên Phạm Ngọc Đa là một liệt sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Hải Phòng, đồng thời là một trong số ít các thiếu niên Việt Nam được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phạm Ngọc Đa sinh năm 1938 tại thông Phác Xuyên, xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng trong một gia đình lao động nghèo, cha là thợ mộc, mẹ làm thuê kiếm sống nuôi hai chị em. Những năm Pháp thuộc, dưới ách thực dân phong kiến cuộc sống khó khăn, gia đình Đa phải phiêu bạt nên đất Bắc Giang kiếm sống. Sau Cách mạng tháng 8, mẹ Đa dắt díu hai con trở về quê cũ. Người cha đã chết tại quê, khi trở về trước để thăm thú tình hình. Lúc đó cách mạng còn biết bao khó khăn trong buổi chính quyền còn trứng nước. Giặc Pháp trở mặt đánh chiếm thành phố Hải Phòng và chuẩn bị càn quét để mở rộng vùng chiếm đóng ra ngoại thành, trong đó có Tiên Lãng. Ba mẹ con Đa làm một túp lều nhỏ dựa vào bờ tường của đình làng, hàng ngày làm thuê kiếm ăn. Thiếu thốn, cực nhọc đã làm bà mẹ kiệt sức và ra đi, để lại hai chị em Đa đùm bọc lẫn nhau. Từ đó Đa phải đi ở chăn trâu cho nhà tránh Bất.
Tuy không được học hành và lam lũ chăn trâu, cắt cỏ, mò cua kiếm sống nhưng thấy các bạn đồng trang lứa sinh hoạt Đội thiếu nhi cứu quốc, Đa vẫn ao ước được đứng trong hàng ngũ. Năm 12 tuổi, Đa được kết nạp vào đội thiếu nhi. Từ đó em tham gia tích cực các hoạt động yêu nước như đi mít tinh, cổ động, rồi được chọn vào tổ quân báo của du kích xã, làm nhiệm vụ theo dõi quân Pháp, đêm đêm đi quấy rối đồn địch khiến chúng mất ăn, mất ngủ. Năm 15 tuổi, Phạm Ngọc Đa trở thành đội viên du kích xã, làm giao liên, trinh sát và đặt mìn, vót chông, giấu người của Việt Minh xuống hầm bí mật. Sáng ngày 28/8/1953, quân Pháp mở chiến dịch càn quét với quy mô lớn mang tên Cờ lốt vào toàn huyện Tiên Lãng. Suốt một tháng trời quân và dân ta chiến đấu gian khổ trong tương quan lực lượng và trang bị kém xa kẻ địch nhưng quân Pháp đã phải rút đi trong thất bại chua cay. Thắng lợi này đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Góp phần vào chiến công đó có tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của thiếu niên Phạm Ngọc Đa.
Ngày 30/8/1953, làng Phác Xuyên chìm trong lửa đạn ngút trời của giặc Pháp và ngụy quân. Du kích dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng mới rút vào hầm bí mật. Địch tràn vào làng đốt phá, lùng sục. Không may cho Đa, giặc lại đặt súng cối trên nóc hầm bí mật của Đa nên khi bắn, đất sụt xuống, chúng đã nghi ngờ, đào bới tìm ra hầm và bắt được Phạm Ngọc Đa. Chúng dùng dây trói chặt em như bó giò và bắt em phải chỉ những hầm bí mật khác, Đa kiên quyết không khai. Tức giận, giặc chặt đứt cánh tay phải của em. Đau đớn, em ngất đi. Khi Đa tỉnh lại tên ác ôn Ba Phay dọa “nếu mày không nói tao sẽ chặt nốt cánh tay kia”. Căm thù giặc, Đa càng nguyền rủa bọn xâm lược. Đa nhớ, gần chỗ Đa nằm có hầm, nếu nói to có thể các anh ấy nghe thấy được. Để các anh yên tâm là mình không khai, Đa lấy sức nói to: hầm bí mật để giấu cán bộ chứ không để chỉ cho chúng mày. Dù giết tao cũng vậy thôi. Bọn giặc dã man cắt chân em làm ba khoanh đến tận xương, rồi mổ bụng, moi gan em, nhưng người thanh niên anh hùng ấy vẫn im lặng không khai.
Sự hy sinh anh dũng của Phạm Ngọc Đa khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Tấm gương vì nước quên thân của Phạm Ngọc Đa trở thành gương sáng toàn quốc. Năm 1997, người thiếu bất khuất Phạm Ngọc Đa được truy tặng danh hiệu cao quý anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tấm gương của người thiếu niên du kích anh hùng Phạm Ngọc Đa sau này được nhắc đến trong nhiều tài liệu giáo dục lịch sử của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh bên cạnh những tấm gương anh hùng thiếu niên khác. Tượng đài và nhà tưởng niệm Phạm Ngọc Đa được lần lượt xây dựng năm 2003 và 2012 tại huyện Tiên Lãng, quê hương anh.
TT
…
Hộp thư Thơ Văn với chủ đề “Người Hải Phòng” dự thi:
Thời gian qua, BTC đã nhận được Thơ Văn dự thi của các tác giả:
Hải Phòng: Phan Dũng, Lại Xuân Hậu, Nguyễn Ban, Vũ Hoàng Lâm, Bùi Sỹ Căn, Nguyễn Hùng, Vũ Ngọc Anh, Đặng Quang Đạo, Nga Lê, Trần Duy Hạnh, Đào Nguyên Lịch, Bùi Đức Nội, Nguyễn Thị Hiền, Thúy Vinh, Quỳnh Lê, Nguyễn Thị Nho, Lê Việt Hùng, Ngô Thị Mai Hà, Vương Giao Tuyến, Hoàng Ngãi, Bùi Thế Đạt, Đoàn Khương, Lê Trung Cường, Hoàng Văn Quyền, Nguyễn Quang Hòa, Trần Vĩnh Hải, Nguyễn Mạnh Trí, Nguyễn Sơn, Nguyễn Minh Dương, Mai Hồng Quang, Phan Giang Sơn, Đào Nguyên Lịch, Nguyễn Đình Tâm; Hà Nội: Bùi Đức Thiêm, Nguyễn Lan Hương, Nguyễn Thị Kim, Lê Nguyên Khôi, Thái Hưng, Đinh Thành Trung, Đỗ Xuân, Trần Thị Bích; Hưng Yên: Nguyễn Thành Tuấn, Nguyễn Quý Nghi; Quảng Ninh: Dương Phượng Toại, Nguyễn Thái Phú, Đỗ Đồng Lệ; TP Hồ Chí Minh: Vương Miện, Nguyễn Vĩnh Bảo, Vũ Lam Hiền, Nguyễn Thế Kỹ; Thụy Sỹ: Hoàng Yến; Nam Định: Phạm Mai Hương; Hải Dương: Huy Nguyên; Chi hội Mỹ: Phạm Thu Hương, Trần Thanh Toàn; Cộng hòa Pháp: Nguyễn Nga; Nghệ An: Phan Hữu Cường; Liên bang Nga: Nguyễn Hắc Long, Phạm Đình Cựu; Khánh Hòa: Ngọc Hoa, Lê Đức Bảo; Bà Rịa Vũng Tàu: Trần Thắng; Bungary: Hoàng Minh Thuận; Bình Thuận: Dương Đức; Vương quốc Anh: Đào Thị Kỷ, Nguyễn Thị Mát; Newzealand: Đào Yên; Vĩnh Phúc: Lê Gia Hoài; Đồng Nai: Nguyễn Quốc Toàn, Nguyễn Tâm Thanh; Yên Bái: Đào Thu Hương; Lâm Đồng: Nguyễn Duy Vinh; Bắc Giang: Nguyễn Chí Diễn, Đoàn Văn My; Long An: Thi Hoàng Khiêm; Ănggola: Lương Hải Thuận
Mời các bạn tiếp tục gửi Thơ Văn dự thi. Thơ Văn dự thi xin gửi về email: hoivietkieuhp@gmail.com. Trân trọng cám ơn!
BTC