Mùa hè năm ấy- Thơ Văn dự thi mã số 10 với chủ đề “Người Hải Phòng”

alt

Thơ Văn dự thi mã số 10 của tác giả: Lê Nguyên Khôi- Hà Nội

alt

MÙA HÈ NĂM ẤY

Mùa hè của những nụ cười sum họp và nước mắt lác đác từ chiến trường trở về. Mùa hè nắng đổ lửa và những đôi dép nhựa Tiền Phong, từ trong suốt trở thành vàng đậm vì ngả màu theo thời gian cùng những miếng hàn vá chi chít, trên những bàn chân đạp xe hối hả, cúi đầu, mũ bấc, xà cột, cặp lồng cơm treo toòng teng nơi ghi đông. Năm ấy tôi học tiểu học Hải Phòng.

Mùa hè năm ấy, các chị con cô, con bác từ Hà Nội về chơi. Theo nguyện vọng của mọi người, mẹ tôi tổ chức một chuyến đi picnic dã ngoại, đi biển Đồ Sơn. Khỏi cần tả tâm trạng háo hức của mọi người khi chuẩn bị mọi thứ để đi chơi. Mẹ tôi cùng các anh chị nắm cơm, những nắm cơm tráng muốt, thơm dẻo với những con tôm rào rim khô với hạt tiêu, nước dứa hộp và cá trích đóng hộp của Nhà máy đồ hộp Hạ Long. Phương tiện lúc đó chỉ có hai xe đạp của bố và mẹ. Bố sẽ đi bộ đi làm để nhường xe cho phái đoàn. Mẹ vẫn phải mượn thêm một chiếc xe đạp của hàng xóm nữa mới đủ. Bác hàng xóm khi giao xe đạp, trịnh trọng giao luôn cả giấy tờ đăng ký xe đạp, luôn miệng dặn dò cẩn thận kẻo mất giấy tờ.

Gần tới giờ lên đường. Oái oăm thay, tôi lại không có tên trong danh sách những người được đi biển. Chỉ vì một lý do: bố tôi nói tôi phải ở nhà vì mới ốm dậy, còn mẹ thì bảo tôi phải ở nhà vì bài tập hè còn rất nhiều bài chưa hoàn thành.

Tôi bị hẫng, nhưng tôi không có buồn, chỉ thấy bất công. Suy nghĩ của đứa trẻ 7 tuổi lúc đó chỉ có vậy.

Thế rồi mọi người cũng lên đường, bố tôi cũng đi làm, sau khi đã khóa trái cánh cổng bên ngoài nhà. Và chỉ còn lại một mình thằng tôi ngồi trên bậu cửa, bắt đầu day dứt suy nghĩ về sự bất công mình phải gánh chịu.

Có những quyết định chỉ lóe lên trong một tích tắc. Và bạn chỉ có thể thực hiện ngay hoặc không bao giờ, không có thời gian suy nghĩ cân nhắc lâu nữa. Vâng, lúc đó trong đầu tôi đã quyết định đi bộ ra biển Đồ Sơn. Nói thì lâu, nhưng nhớ lúc đó như một đoạn phim quay tốc độ nhanh. Việc đầu tiên là trang phục, tôi còn nhớ, lúc đó tôi mặc chiếc áo sơ mi cộc tay, màu xanh nhạt, chiếc quần short có thêu hình hai cây nấm ở nắp túi quần, đội chiếc nón vải tai bèo màu ghi xám. Không tệ với một lữ khách. Về lương thực cho chuyến đi, tôi chỉ kịp bỏ túi quần dăm cái bánh biscuit Hương Thảo. Đồng hồ lúc đó chỉ 7 giờ sáng, mọi người đi trước cả tiếng đồng hồ rôi. Việc trèo qua cánh cửa cổng ọp ẹp chỉ là trò đơn giản. Loanh quanh một hồi đã đến Cầu Rào, ngoại vi thành phố và là nơi bắt đầu con đường chạy ra biển Đồ Sơn. Từ thành phố Hải Phòng ra tới Đồ Sơn là 23km.

Còn một chi tiết nữa tôi quên chưa kể, đó là đôi dép mới của tôi, đôi sandal nhựa màu xanh thẫm, cùng chính là một trong những phiền toái hành hạ đôi chân tôi sau này.

Trời nắng gió nhẹ, đoạn đường đầu tiên chân bước mải miết, đôi khi còn dừng lại ven đường, ngắt những trái tanh tách, ngậm trong miệng đợi cho nó nổ một cái tách trong miệng. Nhưng trò thú vị đó chẳng kéo dài được lâu, vì mặt trời ngày một lên cao, cái nắng đã chuyển dần sang nắng gắt. Hai chân bắt đầu mỏi dừ rồi. mà nhìn phía trước chỉ là con đường hun hút lóa trong nắng. Cứ đi thôi! Không thể quay về được nữa rồi. Mà trong đầu tôi cũng không hề có ý định quay về.

Thế rồi, thời tiết cũng không ru lòng người lữ khách, trời đổ mưa, mây đen gió giông kìn kìn kéo ập tới. Hai bên đường không một bóng nhà cửa. Thời đó con đường ra Đồ Sơn rất nhỏ, như một con đường cấp phối, hai bên là đồng không trống trải. Cũng không cón chỗ trú, thế là cúi mặt mà bước tới. Rồi mưa mãi cũng tạnh ráo và nắng lên tự lúc nào chẳng biết, lúc này đã gần trưa, thấy bụng đói cồn cào rồi, chợt nhớ ra mất cài bánh biccuit trong túi quần, thò tay vào túi thì ôi thôi, bánh ngấm nước mưa đã biến thành một thứ bùn nhão nhoét, sền sệt…

Hai bắp chân lúc này đã mỏi đau nhức, thỉnh thoảng tôi ngồi xuống ven đường để nắn bóp hai bắp chân cho đỡ nhức. Và thêm nữa, cái đôi dép nhựa mới đã thực sự thành nỗi hành hạ, những cạnh sắc của nó cứa vào gót chân, đến bật cả máu, mỗi bước đi là một bước đau.

Đường dài vắng trơ, thảng hoặc cũng có những chiếc xe khác chạy hướng từ thành phố ra, tôi mệt quá nên đã thử đứng bên đường vẫy xe, nhưng chẳng có xe nào dừng lại. Chắc nhìn bộ dạng tôi họ tưởng trẻ trâu trêu nghịch. Đi bộ từ sáng đã sang buổi chiều rồi mà vẫn thấy con đường xa tít tắp. Lúc này chân đã rã rời, có lúc tưởng sẽ quỵ ngã dọc đường. Nhưng rồi trong đầu lại nghĩ tới sự bất công, thế là lại có động lực bước tiếp…

Thất thểu, dép tụt bỏ ra cầm tay.

Cứ vậy từng bước.

Khoảng 4-5 giờ chiều gì đó, chợt nghe có mùi cá, mùi mắm, mùi gió biển mặn mòi. Tôi đã tới Đồ Sơn. Vào tới bãi biển ở khu I, một vấn đề nữa là tìm người nhà mình ở đâu trong cả vạn cái đầu đen đang nhấp nhô trên sóng biển, và đang chen chúc lúc nhúc trên bãi biển kia?

Mãi rồi cũng tìm được. Khi nhìn thấy tôi, thắng bé mặt và người đen như hòn than vì phơi nắng, cả người chỉ còn hai con mắt to thô lố xuất hiện, mẹ tôi xuýt nữa thì ngất. Còn tôi thì ngất thật sự. mọi việc xảy ra sau đó tôi không biết gì nữa, khi tôi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong viện, điều trị suy kiệt và viêm cơ. Tôi chỉ còn nhớ, khi tôi tỉnh dậy, thấy mọi người bên tôi. Tôi đã cười, cái cười chiến thắng của thằng bé 7 tuổi.

Rồi mãi về sau, trong dịp họ hàng gia đình sum họp, mọi người vẫn nhắc lại câu chuyện của tôi. Và bao giờ câu kết luận cuối cùng của mọi người cũng là:

Thằng hâm!!!

LNK

Hộp thư Thơ Văn với chủ đề “Người Hải Phòng” dự thi:

Thời gian qua, BTC đã nhận được Thơ Văn dự thi của các tác giả:

Hải Phòng: Phan Dũng, Lại Xuân Hậu, Nguyễn Ban, Vũ Hoàng Lâm, Bùi Sỹ Căn, Nguyễn Hùng, Vũ Ngọc Anh, Đặng Quang Đạo, Nga Lê, Trần Duy Hạnh, Đào Nguyên Lịch, Bùi Đức Nội, Nguyễn Thị Hiền; Hà Nội: Bùi Đức Thiêm, Nguyễn Lan Hương, Nguyễn Thị Kim, Lê Nguyên Khôi, Thái Hưng; Hưng Yên: Nguyễn Thành Tuấn, Nguyễn Quý Nghi; Quảng Ninh: Dương Phượng Toại, Nguyễn Thái Phú, Đỗ Đồng Lệ; TP Hồ Chí Minh: Vương Miện, Nguyễn Vĩnh Bảo; Thụy Sỹ: Hoàng Yến; Nam Định: Phạm Mai Hương; Hải Dương: Huy Nguyên; Chi hội Mỹ: Phạm Thu Hương, Trần Thanh Toàn; Cộng hòa Pháp: Nguyễn Nga; Nghệ An: Phan Hữu Cường; Liên bang Nga: Nguyễn Hắc Long; Khánh Hòa: Ngọc Hoa; Bà Rịa Vũng Tàu: Trần Thắng; Bungary: Hoàng Minh Thuận; Bình Thuận: Dương Đức; Vương quốc Anh: Đào Thị Kỷ, Nguyễn Thị Mát…

Mời các bạn tiếp tục gửi Thơ Văn dự thi. Thơ Văn dự thi xin gửi về email: hoivietkieuhp@gmail.com. Trân trọng cám ơn!

BTC

 

Bài viết khác