Ông tổ nghề sơn mài tạc tượng ở Hải Phòng- Thơ Văn dự thi mã số 60 với chủ đề “Người Hải Phòng”

Truyện ngắn dự thi mã số 60 của tác giả: Nguyễn Hùng- Hải Phòng

ÔNG TỔ NGHỀ SƠN MÀI TẠC TƯỢNG Ở HẢI PHÒNG

Ông Nguyễn Công Huệ được nhân dân tôn vinh là ông tổ nghề sơn mài tạc tượng ở Hải Phòng. Tại thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo có ngôi miếu tên gọi “Tam xã thượng đẳng từ”, nguyên trước đây có ba thôn Bảo Động, Hà Cầu, Mai An. Người dân địa phương quen gọi là miếu Cả như sự khẳng định vai trò đứng đầu của miếu trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian nơi đây. Miếu thờ Linh Lang Đại vương và ông tổ của nghề tạc tượng Nguyễn Công Huệ làm thần Thành hoàng làng. Nhắc đến xã Đồng Minh huyện Vĩnh Bảo là nhắc đến một địa danh nổi tiếng ở đất Hải Phòng và cả nước với nghề điêu khắc, tạc tượng và sơn mài. Người có công sáng lập, truyền dạy nghề cho dân làng Đồng Minh – Vĩnh Bảo là Nguyễn Công Huệ – ông tổ của nghề nói trên.

Nguyễn Công Huệ người làng Linh Động, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng (thời Trần), nay là thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo. Sử sách không ghi lại năm sinh, năm mất của ông. Theo truyền ngôn, Nguyễn Công Huệ thủa nhỏ thông minh, hiếu học, khéo nghề mộc và tôn sùng đạo Phật. Tương truyền vào năm 1407 – 1472 khi giặc Minh đô hộ nước ta, Nguyễn Công Huệ cùng với một số thợ giỏi nước ta bị bắt sang Yên Kinh làm việc trong các Quan Xưởng ở Trung Quốc để làm đền đài, cung điện, tạc tượng, đúc súng. Trong thời gian bên đất khách, ông đã chú tâm học nghề chạm khắc, sơn mài và châm cứu của thợ khéo các nước và của người Tầu nên tay nghề càng cao.

Đến đời Lê Nhân Tông (1443- 1459), Nguyễn Công Huệ được trả về nước. Với sự hiểu biết và tâm huyết muốn truyền nghề của mình, ông đã dạy nghề tạc tượng cho người dân quê hương. Từ đó làng Linh Động,  Hà Cầu nổi tiếng có nhiều thợ tạc tượng giỏi. Sau khi ông mất, đượcc học trò và dân làng lập miếu thờ, tôn ông là tổ sư nghề tạc tượng của làng. Hằng năm, cứ đến ngày 8-10 tháng Giêng phường tạc tượng trong vùng tổ chức cúng giỗ ông ở miếu cả Linh Động (Bảo Hà) rất trọng thể. Tại miếu Bảo Hà nay vẫn còn tượng Nguyễn Công Huệ rất sinh động, được phối thờ cùng Linh Lang Đại vương.

Nói đến Nguyễn Công Huệ không thể không nói đến một trong những học trò nổi tiếng của ông là Tô Phú Vượng- người đã được vua Lê phong là Kỳ tài hầu. Cho đến giờ, người dân Đồng Minh vẫn lưu truyền giai thoại “7 hạt gạo nếp tạc thành đàn voi” của người thợ tạc tượng Tô Phú Vượng. Ông là một trong những học trò nổi tiếng tài hoa của cụ Nguyễn Công Huệ, được vua Lê Cảnh Hưng vời vào cung tạc ngai vàng. Sau khi tạc xong ngai vàng, sung sướng vì đã tạo ra một kiệt tác nên ông đã ngồi thử. Bị thái giám phát hiện và tâu với nhà vua, Tô Phú Vượng bị khép tội “khi quân phạm thượng”, nhốt vào ngục tối chờ ngày xử trảm. Sống trong ngục Tô Phú Vượng rỗi rãi, buồn phiền. Thấy những cọng rơm nếp còn sót lại một vài hạt thóc, ông liền lấy tay bóc, chuốt 7 hạt gạo nếp thành 7 con voi đủ cả chân, tai, vòi với các tư thế khác nhau. Chuyện về đàn voi tí hon truyền đi khắp nơi. Nhà vua biết chuyện, cảm phục tài hoa của người thợ tạc tượng, đã quyết định tha bổng, phong cho ông tước “Kỳ tài hầu” và cho về quê mở mang, lưu truyền nghề nghiệp.

Từ đó đến nay nghề tạc tượng- sơn mài, điêu khắc (đồ thờ, truyền ảnh vào gỗ, làm con rối) rất phát triển ở xã Đồng Minh-Vĩnh Bảo. Làng nghề này ở Bảo Hà đã nổi tiếng khắp nơi. Người mua tượng Phật, đồ gỗ thờ (đại tự, cuốn thư, câu đối, bàn thờ sơn mài, sơn son thếp vàng….) nhiều nơi trong nước tìm đến đây để đặt hàng. Người ta còn cho rằng, rất nhiều những bức tượng đẹp trong các chùa như chùa Mía, chùa Thầy (Sơn Tây) là do những người thợ tài ba làng Bảo Hà sáng tạo ra.

NH

Hộp thư Thơ Văn với chủ đề “Người Hải Phòng” dự thi:

Thời gian qua, BTC đã nhận được Thơ Văn dự thi của các tác giả:

Hải Phòng: Phan Dũng, Lại Xuân Hậu, Nguyễn Ban, Vũ Hoàng Lâm, Bùi Sỹ Căn, Nguyễn Hùng, Vũ Ngọc Anh, Đặng Quang Đạo, Nga Lê, Trần Duy Hạnh, Đào Nguyên Lịch, Bùi Đức Nội, Nguyễn Thị Hiền, Thúy Vinh, Quỳnh Lê, Nguyễn Thị Nho, Lê Việt Hùng, Ngô Thị Mai Hà, Vương Giao Tuyến, Hoàng Ngãi, Bùi Thế Đạt, Đoàn Khương, Lê Trung Cường, Hoàng Văn Quyền, Nguyễn Quang Hòa, Trần Vĩnh Hải, Nguyễn Mạnh Trí, Nguyễn Sơn, Nguyễn Minh Dương, Mai Hồng Quang, Phan Giang Sơn, Đào Nguyên Lịch, Nguyễn Đình Tâm, Nguyễn Xuân Căn; Hà Nội: Bùi Đức Thiêm, Nguyễn Lan Hương, Nguyễn Thị Kim, Lê Nguyên Khôi, Thái Hưng, Đinh Thành Trung, Đỗ Xuân, Trần Thị Bích; Hưng Yên: Nguyễn Thành Tuấn, Nguyễn Quý Nghi; Quảng Ninh: Dương Phượng Toại, Nguyễn Thái Phú, Đỗ Đồng Lệ; TP Hồ Chí Minh: Vương Miện, Nguyễn Vĩnh Bảo, Vũ Lam Hiền, Nguyễn Thế Kỹ; Thụy Sỹ: Hoàng Yến; Nam Định: Phạm Mai Hương; Hải Dương: Huy Nguyên; Chi hội Mỹ: Phạm Thu Hương, Trần Thanh Toàn; Cộng hòa Pháp: Nguyễn Nga; Nghệ An: Phan Hữu Cường; Liên bang Nga: Nguyễn Hắc Long, Phạm Đình Cựu; Khánh Hòa: Ngọc Hoa, Lê Đức Bảo; Bà Rịa Vũng Tàu: Trần Thắng; Bungary: Hoàng Minh Thuận; Bình Thuận: Dương Đức; Vương quốc Anh: Đào Thị Kỷ, Nguyễn Thị Mát; Newzealand: Đào Yên; Vĩnh Phúc: Lê Gia Hoài; Đồng Nai: Nguyễn Quốc Toàn, Nguyễn Tâm Thanh; Yên Bái: Đào Thu Hương; Lâm Đồng: Nguyễn Duy Vinh; Bắc Giang: Nguyễn Chí Diễn, Đoàn Văn My; Long An: Thi Hoàng Khiêm; Ănggola: Lương Hải Thuận

Mời các bạn tiếp tục gửi Thơ Văn dự thi. Thơ Văn dự thi xin gửi về email: hoivietkieuhp@gmail.com. Trân trọng cám ơn!

BTC

 

Bài viết khác