
Những ngày qua, câu chuyện về cú bẻ lái bất chấp nguy hiểm tính mệnh để cứu mạng 2 nữ sinh của anh tài xế xe tải Đỗ Văn Tiến ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng mạng.
Cú bẻ lái của tình người
Không biết từ bao giờ, mỗi khi nhắc tới xe tải, xe chở vật liệu xây dựng… tôi thường có định kiến không tốt. Đối với tôi, những chiếc xe ấy đều gắn liền với hình ảnh phóng nhanh vượt ẩu, bụi bay mịt mù, những tiếng còi inh ỏi làm cho người khác phải giật mình thảng thốt…
Đã vậy, thỉnh thoảng ngồi cùng mấy người bạn nói chuyện về giao thông, xe cộ… tôi vẫn hay nghe nhiều về việc nếu có tai nạn xảy ra mà người bị nạn chưa chết thì tài xế xe tải, xe container sẽ cho lùi xe và cán chết, như vậy, họ chỉ phải đền bù một lần, thay vì phải chăm lo cho nạn nhân cả đời…
Tôi cũng không biết thực hư những câu chuyện ấy ra sao nhưng nghe mãi rồi lâu dần trở thành ác cảm, tin rằng đó là sự thật, cho đến khi đọc được tin về câu chuyện của anh Đỗ Văn Tiến…
Tôi cảm ơn anh Tiến đã giúp tôi giữ lại được niềm tin về sự lương thiện của con người
Thực tình, tôi đã không khỏi giật mình khi xem lại clip lúc anh Tiến bẻ lái sang bên đường để tránh đâm vào 2 nữ sinh đang bị ngã xe giữa làn đường dành cho ô tô. Quả thực là quá nguy hiểm, quá đột ngột, có lẽ chỉ chậm vài giây thôi sẽ mất đến 2 mạng người. Trong giây phút sống chết trong gang tấc ấy, không biết anh Tiến suy nghĩ gì nhưng tôi tin, đó hẳn không chỉ là phản xạ nhạy bén của một người lái xe mà còn là bản chất lương thiện bên trong con người anh đã trỗi dậy, giống như anh đã chia sẻ:
“Mạng người là quan trọng, tôi muốn giữ cuộc sống cho họ. Khi đánh lái, tôi chỉ kịp nói với chủ xe đi cùng: Chết rồi anh ơi”.
Anh Tiến đã tránh được vụ tai nạn đáng tiếc dù xe anh bị lật nghiêng và làm hỏng hai ô tô đang đỗ trên đường.
Tôi đã thực sự rất xúc động khi đọc được những lời ấy, trong tình huống cận tử ấy, anh Tiến đã nghĩ đến người khác trước khi lo cho mạng sống của mình, anh chọn hành động vì người khác thay vì sợ hậu quả và trốn tránh trách nhiệm. Anh khiến tôi phải cảm thấy hổ thẹn vì những phán xét và định kiến trước đây của mình, nhưng trên tất cả, tôi cảm ơn anh, cảm ơn anh đã giúp tôi và có lẽ là nhiều người nữa giữ lại được niềm tin về sự lương thiện của con người, điều vô cùng đáng quý đang ngày càng trở nên mong manh và xa vời trong xã hội bon chen, xô bồ này…
Lòng tốt đã có dịp được nở hoa
Anh Tiến bất chấp tính mạng để cứu người và khi biết phải đền tiền, anh quyết định đi vay mượn họ hàng, người thân, không một lời kêu xin cộng đồng giúp đỡ. Thế nhưng, những “Mạnh Thường Quân” đã đi tìm anh, đến với anh, giống như cách mà những người tốt vẫn tìm đến nhau, không bỏ rơi nhau trong cơn hoạn nạn.
Tôi được biết tin nhiều người đã đến hỏi thăm, gặp gỡ gia đình cũng như chuyển tiền đến tài khoản của anh Tiến. Dù số tiền không lớn, mỗi người vài trăm nghìn, so với con số cần đền bù lên đến cả trăm triệu thì chẳng đáng là bao, nhưng đó là tình cảm, là sự tôn trọng và trân trọng của cộng đồng muốn gửi đến những sống tử tế như anh.
Và, rất nhanh sau đó, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam đã xuất hiện vô cùng đúng lúc. Anh Nam đã chuyển đến gia đình anh Tiến 240 triệu thay cho lời cảm ơn mà anh muốn dành cho một tấm lòng lương thiện:
“Cảm ơn anh và phản xạ tuyệt vời của anh đã cứu 2 mạng người. Các anh lái xe, hãy luôn cứu người, mọi người sẽ không bỏ rơi các anh”.
Tiền bạc, dù đối với người giàu hay người nghèo, đều là mồ hôi nước mắt, là mục đích của sự lao động vất vả, giành giật trên thương trường, nhưng anh Nam đã trao đi một số tiền rất lớn vì một mục đích tốt đẹp là khích lệ cộng đồng cùng nhau làm việc tốt và sống tử tế, như những gì anh chia sẻ trên trang Facebook cá nhân:
“Cùng nhau ươm nốt mạ hôm nay
Ngày mai vác cuốc xuống ruộng cày
Đánh mương, tưới nước, gieo chút hạt
Yên ” vườn lòng” nhẹ áng mây bay”.
Sau khi được “tấm lòng” của anh Nam, anh Tiến đã thông báo dừng nhận tiền ủng hộ và ngỏ ý muốn cùng anh Nam chia sẻ số tiền dư ra ngoài khoản đền bù để giúp đỡ những người khó khăn khác. Vậy là, hai con người ấy, vốn chẳng quen nhau, chẳng liên quan gì đến nhau, nay bỗng trở thành bằng hữu, cũng bởi lòng tử tế đã xích con người lại với nhau thật gần.
Đơn giản vậy thôi. Nếu cộng đồng bỏ rơi anh Tiến, hẳn anh cũng chẳng trách ai đâu, vì lúc cứu người anh đâu có cần những ơn huệ đó, nhưng những câu chuyện tử tế như thế này vẫn rất cần để đánh thức niềm tin cho xã hội, rằng chúng ta hãy an tâm mà sống tốt và dựa vào nhau. Anh giúp tôi, người khác giúp anh, rồi người khác lại giúp người khác nữa, tất cả chúng ta cùng phát tâm gieo những hạt giống thiện lành, cùng nuôi dưỡng những điều tốt đẹp cho đời….
Cảm ơn doanh nhân Nguyễn Hoài Nam! Cảm ơn tài xế Đỗ Văn Tiến một lần nữa! Và cảm ơn tất cả những điều tử tế trong xã hội này. Câu chuyện của các anh đã làm chúng tôi cảm thấy ấm lòng biết bao nhiêu.
Anh Tiến hãy an lòng, và cả những người tốt khác nữa hãy an lòng để sống tử tế, sống đẹp cho đời, giúp đỡ mọi người. Cho dù hôm nay người tốt hãy còn gặp nhiều thua thiệt, rắc rối, nhưng sống lương thiện thì sẽ được đáp đền. Và sự đáp đền ấy, dù sớm hay muộn, thì cũng không quan trọng bằng chính mình đã giữ được cho mình sự tử tế, lương thiện ở trong tâm. Đó mới là điều giá trị nhất của cuộc đời.
Nếu lòng tốt là một vòng tuần hoàn thì sống tử tế là khởi đầu cho tất cả
Một buổi chiều nọ vào hơn 100 năm trước, tại một cánh đồng ở miền quê nước Anh, có một người nông dân nghèo đang trồng trọt. Bỗng nhiên ông nghe thấy từ xa có tiếng kêu cứu, thì ra là một cậu bé không may bị rơi xuống nước. Người nông dân không hề chần chừ nhảy xuống nước cứu sống cậu bé.
Sau này mọi người mới biết rằng cậu bé ấy là con của một gia đình quý tộc.
Vài ngày sau, gia đình quý tộc nọ đích thân mang quà đến cảm ơn, nhưng người nông dân đã từ chối nhận quà. Đối với ông, cứu người là việc cần làm, và không có lý do gì để ông nhận quà cáp cho một việc hiển nhiên như thế.
Câu chuyện đến đây vẫn chưa kết thúc…
Nhiều năm sau, gia đình quý tộc nọ vì kính phục sự lương thiện và cao thượng của người nông dân cũng như biết ơn ông, họ quyết định hỗ trợ con trai ông để cậu bé được học đại học ở London. Cuối cùng, người nông dân đã chấp nhận món quà này, bởi để con mình được đi học là ước mơ nhiều năm của ông.
Con trai của người nông dân đã tốt nghiệp ngành y Học viện Saint Mary ở London với học lực ưu tú, sau đó còn được Hoàng gia Anh phong tước hiệp sĩ vào năm 1944 và được trao giải Nobel Y học vào năm 1945. ÔngÂÂ chính là Alexander Fleming, người đã phát hiện ra chất kháng sinh penicillin.
Cậu con trai nhà quý tộc kia cũng đã trưởng thành, người này mắc chứng viêm phổi nặng vào những năm Thế chiến thứ II, nhưng may mắn là nhờ có penicillin mà ông đã bình phục rất nhanh.
Cậu con trai nhà quý tộc chính là Thủ tướng Churchill của Vương quốc Anh.
Dù là người nông dân nghèo khổ hay gia đình quý tộc giàu có, họ đều đã đưa tay ra giúp đỡ khi người khác cần một cách vô tư mà không hề mong cầu được báo đáp. Nhờ vậy mà đã gieo mầm những hạt giống tốt đẹp cho thế hệ sau của mình và thậm chí là cho cả quốc gia.
Vậy đấy, nếu lòng tốt là một vòng tuần hoàn thì sống tử tế là khởi đầu cho tất cả…
Từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng, tử tế luôn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế và đặt nó lên bàn thờ Tổ tiên hoặc trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia dẫu có những nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người – Người Tử Tế – trước khi mong muốn và chăn dắt họ thành những người có quyền hành giỏi giang hoặc siêu phàm. ( Trích từ phim “Chuyện tử tế” – Đạo diễn Trần Văn Thuỷ)
Khi bạn quên đi bản thân mình, thế giới của bạn sẽ rộng mở, và khi thế giới rộng mở, sự bất hạnh có thể đang quá sức chịu đựng đối với bạn bỗng trở nên nhỏ bé. Bởi khi bạn rộng lượng, bạn sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn, tinh thần phấn chấn hơn và như một lực hấp dẫn, những điều tốt đẹp khác sẽ bị hút tới bạn. Cũng là bởi mọi thứ trên thế giới này đều vận hành theo một quy luật vô hình nhưng hiện hữu – gieo Nhân nào sẽ gặt Quả đó.
Thiện Nam