
(Vợ chồng ông bà Tài Phương – Kim Dung hạnh phúc khi được sống ở quê nhà)
Sau dự án làng Việt kiều Hải Phòng, doanh nhân Nguyễn Tài Phương lại ấp ủ dự án đưa Hải Phòng quê ông trở thành thành phố thương cảng, một trong những dự án kinh tế đối ngoại thiết thực trong tương lai.
Ông Phương chia sẻ: “Khó có thể nói trước, nhưng tôi rất tâm đắc có dự án triển khai về kinh tế đối ngoại để đưa Hải Phòng trở thành trung tâm phân phối hàng hóa của Việt Nam- ASEAN. Mong muốn này của tôi đang được đem ra bàn với các đối tác. Nếu được sự quan tâm và đầu tư đúng mức của nhà nước, dự án này rất hiện thực và mang lại lợi ích lớn. Nơi đây sẽ là đầu mối quy tụ các nguồn hàng xuất khẩu của miền Bắc, thay vì xuất khẩu rải rác ở các nơi, khó quản lý được chất lượng”.
Theo ông Phương, hiện nay, Việt Nam đã có các trung tâm xúc tiến thương mại ở các nước, nhưng nó chỉ đơn thuần về mặt hành chính. Các dự án kinh tế đối ngoại là cụ thể hóa việc xúc tiến thương mại.
Chẳng hạn, Hải Phòng hiện nay mới chỉ là thành phố cảng, chỉ là trung tâm vận chuyển hàng hóa đường biển ở phía Bắc thôi, trong khi Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi để vươn xa hơn trở thành thành phố thương cảng, trở thành trung tâm điều phối hàng hóa giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế.
Ông Phương khẳng định, có thể, thế hệ ông chưa thực hiện được, nhưng thế hệ kế tiếp chắc chắn sẽ làm được.
Con người của những dự án
Ngay từ những năm 1988, khi đất nước còn nhiều khó khăn, ông Tài Phương đã trở về nước tìm cơ hội đầu tư phát triển kinh tế. Nhiều hoạt động đầu tư của ông lúc bấy giờ được cho là khá mạo hiểm và cực kỳ khó khăn, thậm chí có thể ảnh hưởng tới gia đình, vợ con, nhưng ông luôn tâm niệm góp hết sức mình cho đất nước.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, ông là người đã đưa về nước công nghệ phủ sóng vệ tinh tiên tiến nhất giúp sóng của Đài tiếng nói Việt Nam phủ khắp toàn quốc. Ông cũng là người giúp Việt Nam mua 20 chiếc xe mô-tô hộ tống khi đón nguyên thủ nước ngoài tới thăm, trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn.
Khu công nghiệp Đình Vũ tại Hải Phòng hiện nay đang là điểm sáng trong đầu tư của thành phố. Nhưng ít ai biết rằng, dự án này đã được manh nha từ năm 1993 có sự nỗ lực của ông Phương trong việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục nghề cho thanh niên, năm 2000, ông Tài Phương đã đóng góp cổ phần của mình cho dự án Trường cao đẳng nghề Duyên Hải tại Hải Phòng.
Dự án Làng Việt kiều quốc tế Hải Phòng cũng đã được ấp ủ từ lâu với mong muốn tạo điều kiện cho bà con kiều bào có nơi ăn chốn ở thuận lợi khi về nước đầu tư, tạo cầu nối giữa bà con kiều bào với trong nước. Dự án đã được chính thức khởi công ngày 7-5 vừa qua với tổng vốn đầu tư khoảng 21 triệu USD trên diện tích 9,8 ha, do Cty cổ phần đầu tư và phát triển Việt Anh làm chủ đầu tư với sự góp vốn của nhiều bà con kiều bào khắp thế giới.
Dự án tập trung phát triển các khu nhà biệt thự hiện đại mang phong cách châu Âu kết hợp với nét tinh tế chọn lọc của thiết kế châu Á, vừa truyền thống, cổ điển, vừa hiện đại cùng các khu cây xanh, công viên giải trí, mang lại không gian sống lý tưởng.
Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hoàng Vũ do Cty TNHH Hoàng Vũ là chủ đầu tư sẽ được xây dựng cạnh làng Việt kiều quốc tế Hải Phòng. Dự án này có quy mô 250 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế với tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh hiện đại và tiện ích cho kiều bào và nhân dân thành phố.
Để dự án có thể triển khai, ông Tài Phương là một trong số những người đôn đáo đốc thúc cho nó. Ông cho biết, Nghị quyết 36 của Bộ chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được đưa ra từ năm 2004 và đã được triển khai và thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, việc vận dụng chính sách này ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn.
Chính vì thế, một số nhà đầu tư trong dự án làng Việt kiều Hải Phòng đã rút vốn đầu tư do lo ngại thực hiện khó khăn và lâu thu hồi vốn. Không nản lòng, ông Phương vẫn kiên trì thuyết phục bà con kiều bào và các cấp chính quyền. Cuối cùng, dự án đã chính thức được khởi công. Đó là minh chứng cho niềm tin của kiều bào cũng như là động lực thu hút kiều bào về quê sinh sống và đầu tư.
Bên cạnh những dự án đầu tư, ông Tài Phương còn là người chăm lo cho sự gắn kết của bà con kiều bào đối với đất nước, nhất là thế hệ kiều bào trẻ.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, ông đã thường xuyên đề đạt mong muốn tổ chức Trại hè Việt Nam để đưa con em Việt kiều về thăm và tìm hiểu quê hương đất nước. Những ý kiến này của ông đã được trao đổi với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài lúc bấy giờ là ông Nguyễn Phú Bình.
Ghi nhận những ý kiến này của ông Phương và nhiều kiều bào khác, vì nhiều lý do và điều kiện thực tiễn, Trại hè Việt Nam đầu tiên dành cho con em Việt kiều bắt đầu thực hiện năm 2004 và được duy trì hàng năm.